Những biến chứng nguy hại của bệnh tiểu đường
Những tổn thương do bệnh tiểu đường vẫn tiếp diễn ở cơ thể bệnh nhân cho dù người bệnh cảm thấy khỏe, đến khi có triệu chứng rõ ràng thì điều trị thường là muộn.
1. Bệnh tiểu đường gây ra những biến chứng nào cho người bệnh?- Biến chứng cấp khi đường huyết tăng quá cao:
+ Hôn mê do nhiễm ceton acid.
+ Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.
- Biến chứng mạn do tiểu đường gồm:
+ Biến chứng mạch máu nhỏ: ở mắt, thận, thần kinh. Ở mắt gây viêm võng mạc, đục thủy tinh thể, mù đột ngột. Ở thận gây viêm thận, suy thận. Ở thần kinh gây teo cơ, mất hoặc tăng cảm giác đau, có cảm giác như điện giật, tê tay chân, liệt các dây thần kinh sọ não gây sụp mi, lé mắt, méo miệng hoặc gây bất lực ở nam giới...
+ Biến chứng mạch máu lớn: ở tim, mạch máu ngoại biên, não, chẳng hạn gây xơ cứng động mạch, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não dẫn đến đột quỵ...
+ Biến chứng khác: da, xương khớp, nhiễm trùng,...
+ Biến chứng loét, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân của người đái tháo đường.
Mọi người bệnh tiểu đường đều có thể bị các biến chứng mạn. Tỉ lệ biến chứng mạn gia tăng tùy thuộc vào tình trạng mất cân bằng đường huyết và thâm niên của bệnh.
2. Ai có nguy cơ bị bệnh tiểu đường? Làm sao phát hiện bệnh?
Để phát hiện sớm bệnh tiểu đường cần xét nghiệm đường huyết định kỳ:
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói ở tuổi từ 45 trở đi. Nếu kết quả bình thường, tốt nhất thử lại mỗi năm.
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói ở tuổi trẻ hơn và thường xuyên hơn khi có 1 trong các yếu tố sau:
+ Cha mẹ hay anh chị em ruột bị bệnh tiểu đường.
+ Không vận động thể lực.
+ Dư cân hay béo phì.
+ Cao huyết áp.
+ Rối loạn mỡ máu.
+ Đã được chẩn đoán có rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết lúc đói.
+ Sinh con to trên 4kg hay đã được chẩn đoán tiểu đường trong thai kỳ.
+ Có bệnh tim mạch hay tai biến mạch máu não.
Ngoài ra cần đến khám ở các cơ sở y tế để được xét nghiệm đường huyết khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường như: mờ mắt, sụt cân, vết thương lâu lành, đau nhức, ngứa, tiểu nhiều, khát nước, bất lực ở nam giới,...
3. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến đường huyết của người bệnh?
Đường huyết của người bệnh dao động trong ngày, có nhiều yếu tố làm cho đường huyết tăng lên hoặc giảm xuống. Đường huyết bị ảnh hưởng bởi:
- Thức ăn, kích xúc tâm lý (stress), bệnh phối hợp: làm đường huyết tăng lên.
- Insulin, thuốc uống, luyện tập thể lực: giúp giảm đường huyết.
Lưu ý là mỗi người bệnh tiểu đường sẽ đáp ứng khác nhau với các yếu tố nêu trên.
4. Vùng đường huyết nguy hiểm của bệnh tiểu đường là gì?
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh bệnh tiểu đường có những vùng đường huyết nguy hiểm, đó là khi đường huyết quá thấp hay quá cao.
Đường huyết xuống thấp dưới 60mg/dL dễ đưa người bệnh đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời, còn khi đường huyết thường xuyên tăng cao trên 180mg/dL thì dễ gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não,... Chính vì vậy người bệnh phải được điều trị sao cho đạt được đường huyết nằm trong vùng an toàn.
Như vậy:
- Đường huyết ổn định, nằm ngoài vùng nguy hiểm, gần mức bình thường sẽ giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh và ngăn ngừa biến chứng.
- Đường huyết hạ quá mức đưa người bệnh đến hôn mê do hạ đường huyết.
- Đường huyết cao đưa người bệnh đến các biến chứng mạn như mù, đột quỵ, bệnh tim mạch, đoạn chi,…
- Đường huyết quá cao gây ra các biến chứng cấp như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu,…
- Đường huyết dao động nhiều lúc quá cao, lúc quá thấp cũng đưa đến các biến chứng, chất lượng sống kém.
Trên đây là những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường, cũng như những nguy cơ mắc bệnh. Bạn nên đến bác sĩ thăm khám thường xuyên để phòng ngừa và điều trị sớm bệnh tiểu đường.