Nhuộm cà phê bằng lõi pin: Vô cùng nguy hại
Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13 xã Đắk Wer, huyện Đắk Lấp) đang pha trộn tạp chất vào cà phê.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá tập kết trong kho. Trong đó, 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con ó, 2 chậu chứa 35kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10kg dùng để nhuộm đen cà phê.
Ảnh minh họa |
Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc, truy tìm những cơ sở tiêu thụ sản phẩm của bà Loan để thu hồi. Đây không phải lần đầu tiên phát hiện cà phê bẩn, nhưng sự độc hại của thành phần pha trộn và sự nhẫn tâm của cơ sở sản xuất này thực sự khiến người tiêu dùng hoang mang.
Trước đó, người tiêu dùng từng nhiều lần bàng hoàng vì thông tin cà phê “ngậm” hóa chất. Cách đây chưa lâu, một cơ sở cà phê tại TP Buôn Ma Thuột bị niêm phong vì sản xuất cà phê từ đậu nành và hóa chất không rõ nguồn gốc. Ngay sau đó, một cơ sở ở Hậu Giang cũng bị xử lý vì làm giả cà phê, dán nhãn mác "xịn".
Những vụ việc này khiến nhiều người bất an khi sử dụng cà phê. Anh Nguyễn Thành Nam (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) bày tỏ: “Tôi thường xuyên sử dụng cà phê, nhưng vừa qua liên tục các vụ làm cà phê bẩn bị phát hiện, khiến tôi cảm thấy mất niềm tin vào cà phê Việt bởi thật, giả khó lường. Hành vi cho chất độc hại vào cà phê là không thể chấp nhận, mong cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm”.
Đề cập đến mối lo này, chị Trần Hoài Thu (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) cho rằng, chỉ vì lợi nhuận mà người sản xuất sẵn sàng đầu độc tính mạng, sức khỏe của người khác, hành vi này cần được nghiêm trị. “Thuốc chữa ung thư từ than tre, cà phê nhuộm pin Con ó, rau củ ngậm thuốc trừ sâu, thực phẩm chứa hóa chất tràn lan trên thị trường. Không biết còn bao nhiêu sản phẩm mà chúng tôi đang dùng hàng ngày nhuộm chất độc” - chị Thu băn khoăn.
Độc hại đến mức nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, pin không được phép dùng trong sản xuất và chế biến thực phẩm bởi chứa nhiều hóa chất độc hại, đặc biệt là các kim loại nặng. Trong quá trình tạo ra một viên pin khô như pin Con ó, nhà sản xuất phải sử dụng hợp chất mangan dioxit (MngO2) có màu nâu đen bao quanh lõi than chì. Việc nấu lõi pin ít nhiều sẽ làm cho lượng MngO2 đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến hệ thần kinh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu sử dụng thực phẩm, nước uống nhiễm kim loại nặng sẽ gây ngộ độc cấp tính ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu ngộ độc nặng có thể gây tử vong. Riêng việc nhuộm thực phẩm bằng pin Con ó, bác sĩ Tiến phân tích, trong pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín....
Nếu ngộ độc thủy ngân, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bị kích động, tăng huyết áp, sau 2 - 3 ngày có thể tử vong vì suy thận. Còn ngộ độc cấp bởi Asen, nạn nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, khát nước dữ dội, mạch tim đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và tử vong nhanh.
Riêng nhiễm độc chì cấp tính có thể gây chảy máu thực quản, dạ dày, đau bụng dữ dội, mạch yếu, tê chân tay, co giật và tử vong. Ngộ độc mạn tính thường gặp và nguy hiểm hơn do nhiều lần ăn uống phải thức ăn có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, nhiễm và tích lũy dần rồi gây hại cho cơ thể.
Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo về tác hại của mangan đối với sức khỏe con người. Theo đó, nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Khi hít phải mangan với lượng lớn có thể gây hội chứng nhiễm độc, tổn thương thần kinh.