Bến Tre: Nông dân thu lãi cao từ giống dừa thấp

Lâu nay, nhắc đến cây dừa người ta thường nghĩ đến xứ sở Bến Tre. Thế nhưng, hiện nay ở TPHCM cũng có một số địa phương trồng dừa. Giống dừa nông dân TP trồng có dạng thấp lùn, nhưng lại cho thu nhập khá cao.


Đó là dừa xiêm đỏ (giống Malaysia), đang được nhiều nông dân ở xã Bình Lợi và xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) trồng, với tổng diện tích khoảng 100ha.
Người tiên phong trong phong trào trồng dừa xiêm đỏ ở huyện Bình Chánh là ông Trương Văn Nhuận (còn gọi Sáu Tâm), hiện đang cư ngụ ở số B7/235 đường Trương Văn Đa thuộc ấp 2, xã Bình Lợi.
Gia đình ông Sáu Tâm có 4ha đất, trước kia trồng mía thường xuyên đối mặt với điệp khúc “được mùa, mất giá”.
Năm 2006, cả khu vực xã Bình Lợi bị nước lũ từ thượng nguồn tràn về, mía ngập úng chết hàng loạt cho không ai lấy, ông bỏ cây mía chuyển sang trồng cây tràm.
Bến Tre: Nông dân thu lãi cao từ giống dừa thấp
Ông Sáu Tâm chăm sóc đám dừa xiêm giống
Cây tràm từ lúc trồng đến lúc thu hoạch hơn 3 năm nhưng thương lái thu mua chỉ 70 - 80 triệu đồng/ha, tính ra còn chưa đủ vốn nhưng ông vẫn cứ bám víu với cây tràm vì chưa tìm được giống cây trồng nào thích hợp.
Trong nhiều lần đi làm công tác từ thiện ở tỉnh Bến Tre, được bạn bè giới thiệu giống dừa xiêm đỏ Malaysia có nhiều ưu thế như dễ trồng, trái sai, chất lượng trái tốt, được thị trường ưa chuộng, đặc biệt thân cây thấp dễ thu hoạch,  ông Sáu Tâm liền mua 50 cây giống đem về trồng thử nghiệm.
Vùng đất Bình Lợi nhiễm phèn mặn, rất thích hợp với cây dừa nên giống dừa xiêm đỏ phát triển vượt trội. Thấy có hiệu quả, số dừa thu hoạch được ông Sáu Tâm để lại làm giống, đồng thời thuê xe cơ giới đào mương, lên liếp 3ha đất để chuyên canh giống dừa xiêm đỏ.
Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, ông trồng cây cách cây 6m, hàng cách hàng 6m, trung bình 1ha trồng khoảng 300 cây. Lợi thế của cây dừa xiêm đỏ là mau cho sản phẩm thu hoạch, khoảng 22 tháng sau khi trồng thì cây dừa ra bông và cho trái chiến, đến tháng thứ 28 thì trái ra đều, thu hoạch rộ.
Vườn dừa của ông Sáu Tâm hiện đã tăng lên 900 cây. Tính trung bình một cây dừa cho 10 trái, cứ 20 ngày thu hoạch một đợt được 9.000 trái, bán với giá 6.000 đồng/trái, ông thu được hơn 860 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, mỗi năm ông còn bán 12.000 trái dừa giống với giá 28.000 đồng/trái, kiếm thêm hơn 330 triệu đồng. Tính chung, trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông thu lãi từ cây dừa hơn 1 tỷ đồng.
Ông Sáu Tâm chia sẻ: “Giống dừa này thấp lùn, lúc mới có trái nằm sát mặt đất hoặc ngang đầu người, rất dễ thu hoạch. Hiện nay, sau 10 năm trồng, cây dừa trong vườn nhà tôi cao nhất chỉ hơn 2m, khi thu hoạch bắc ghế hoặc thang với lên là tới, không phải leo trèo gì cả.
Giống dừa xiêm đỏ cũng dễ bán, lúc cao điểm vào mùa nắng, thương lái ở các quận 7, 12, Gò Vấp đến tận vườn mua với giá 8.000 - 10.000 đồng/trái, hàng không đủ bán”.
Theo UBND xã Bình Lợi, hưởng ứng chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay toàn xã có khoảng 30 hộ nông dân chuyển đổi đất trồng mía, trồng tràm sang trồng hơn 50ha dừa xiêm đỏ Malaysia. Cây dừa không chỉ góp phần chống sạt lở đất, cho bóng mát bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn giúp nhiều nông dân làm giàu trên mảnh đất vốn bạc màu, cằn cỗi của quê hương mình.
TRẦN CÔNG TẠO - SGGP
Nhận xét đã bị vô hiệu hóa.

Tin liên quan