Cách phòng tránh suy thận
Hiện nay ở nước ta có khoảng 6 triệu người bị bệnh thận (chiếm gần 7% dân số), trong đó có hơn 80.000 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh suy thận là mối quan tâm của nhiều người.
Lối sống lành mạnhHạn chế ăn mặn dưới 6g muối/ngày: chế độ ăn nhiều muối dễ có nguy cơ cao huyết áp và lâu ngày cũng ảnh hưởng đến thận gây suy thận.
Không ăn nhiều đạm động vật: chế độ ăn quá nhiều đạm động vật sẽ làm cho thận phải hoạt động nhiều hơn và lâu ngày thận sẽ bị suy. Trước đây chế độ ăn cho người tiểu đường do quá hạn chế tinh bột, không dám ăn cơm mà chủ yếu là ăn thịt, cá… có khi hơn 500g thịt/ngày và điều này đã làm thận bị suy nhanh hơn.
Các thức ăn như gan, tim, cật có chứa nhiều cholesterol không tốt cho tim mạch đồng thời lại chuyển hóa thành axit uric, nếu ăn nhiều và thường xuyên dễ có nguy cơ tạo sỏi urate, nhất là khi không uống đủ lượng nước.
Không tự ý dùng vitamin C liều cao thường xuyên: được coi là liều cao khi dùng khoảng 1.000mg/ngày thường xuyên, vì có nguy cơ lắng đọng oxalat. Ngoài ra cũng không tự ý dùng thuốc vì có nhiều thuốc gây độc thận như một số kháng sinh và kháng viêm.
Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ: ít nhất mỗi năm một lần để giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, phòng ngừa biến chứng suy thận nặng.
Cần thực hiện lối sống lành mạnh để phòng chống suy thận |
Những bệnh dễ gây suy thận
Tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở các nước đã phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người tiểu đường có biến chứng thận (suy thận) ngày càng tăng cao.
Huyết áp cao nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ gây biến chứng suy thận. Đầu tiên sẽ gây ra tiểu đạm (đạm niệu), sau đó sẽ gây ra suy thận.
Một số thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp. Việc sử dụng các thuốc này cần được hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ: Thuốc kháng viêm không steroid; Kháng sinh nhóm aminoglycoside; Thuốc kháng lao; Thuốc, hóa chất điều trị ung thư; Thuốc cản quang; Một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc...
Các bệnh như sỏi thận, trướng nước thận, viêm bể thận... nếu không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng chức năng cơ quan này, dần dần gây biến chứng suy thận mạn. Các bệnh lý như hội chứng thận hư, viêm cầu thận không được điều trị tốt cũng sẽ gây suy thận
Một số bệnh lý nhiễm trùng có thể gây biến chứng và suy thận. Thí dụ viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao có thể gây sốc nhiễm khuẩn và suy thận cấp.
Triệu chứng nhận biết bệnh suy thận
Triệu chứng ban đầu của bệnh suy thận có thể không rõ rệt, người bệnh sẽ đột nhiên có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, thường xuyên bị choáng váng buồn nôn. Sau đó sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, khó tập trung, mất ngủ, giảm trí nhớ, có vị tanh trong miệng, hơi thở hôi, phù ở mặt chân tay, khó thở, tức ngực, đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, tiểu đêm nhiều, nước tiểu đổi màu, có bọt, có bong bóng, ngứa da… Khi đột nhiên thấy cơ thể có các biểu hiện lạ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.