Cẩn trọng với bệnh mùa hè
Những ngày vừa qua, miền Bắc xuất hiện nắng nóng đột ngột và nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, khiến nhiều người già và trẻ nhỏ phải nhập viện. Hơn thế, thời tiết bất thường cũng khiến các bệnh mùa hè có nguy cơ gia tăng nhanh.
Nắng nóng khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện. |
Người già, trẻ nhỏ khổ sở vì nắng nóng
Bình thường mỗi ngày tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (ở Thanh Trì – Hà Nội) tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân nhưng chỉ trong 1 tuần qua, mỗi ngày đã có hơn 1.000 người bệnh đến khám, tăng 30%, trong đó nhiều bệnh nhân mắc huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch bị tai biến phải nhập viện để điều trị nội trú.
Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Lão khoa trung ương số người già mắc bệnh mãn tính đến khám cũng tăng từ 30% đến 50% trong những ngày nắng nóng. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương - phụ trách Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng cho biết, chỉ riêng bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã có hàng chục người đến khám mỗi ngày.
Nắng nóng và nhiệt độ các buổi trong ngày chênh lệch cao cũng khiến trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, sốt... tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi trung ương và khoa Nhi các bệnh viện khác mấy ngày qua lượng bệnh nhân đến khám tăng từ 20% trở lên.
TS Hà Hữu Tùng- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cho biết, trẻ em thường bị tiêu chảy, tay chân miệng, viêm não, ngộ độc thực phẩm nên bệnh viện đã chuẩn bị chu đáo để ứng phó. Trong các buổi sinh hoạt với người nhà bệnh nhân, bác sĩ tuyên truyền phòng bệnh.
“Bước vào hè không riêng bệnh nhi mà còn có thể gặp nhiều bệnh khác ở mọi lứa tuổi. Chúng tôi đang lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát” - ông Tùng cho hay.
Lo ngại bùng phát dịch sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 4 ca tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn cả nước cũng ghi nhận gần 7.000 trường hợp mắc tay chân miệng, 135 trường hợp mắc sởi, 3 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Riêng tại Hà Nội, ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 234 trường hợp mắc tay chân miệng, 61 trường hợp mắc sởi, 2 trường hợp mắc não mô cầu. Đây là những bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trong những ngày hè, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8.
Lo ngại trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vào mùa hè, ông Đặng Quang Tấn- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, hằng năm ghi nhận trung bình từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc và từ 50 đến 100 trường hợp tử vong. Dù 4 tháng đầu năm nay không có địa phương nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến nhưng dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp do nhiều công trình xây dựng, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy. Bên cạnh đó, khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh phát triển mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lưu ý, với bệnh sốt xuất huyết, theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, người bệnh cho rằng sắp khỏi nhưng đây chính là giai đoạn có thể có những biến chứng nặng.
Chủ động phòng, chống bệnh tại nhà
Bài học từ dịch sốt xuất huyết bùng phát vào mùa hè năm ngoái tại Hà Nội vẫn khiến ngành Y tế lo ngại. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, những ngày hè nắng nóng tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ. Để phòng bệnh, các địa phương và mỗi người dân cần triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, như diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn, khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng, đặc biệt lưu ý các nhà trẻ, mẫu giáo...
TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nắng nóng vào mùa hè còn gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Vì vậy, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động việc phòng ngừa... Với những bệnh đã có vắc xin phòng bệnh thì người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh phải bảo đảm việc cách ly để phòng lây cho người khác. Dùng các thuốc bác sĩ chỉ định để chữa triệu chứng. Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đối với một số dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cần có những đánh giá, dự báo tình hình chính xác nhất nhằm đưa ra biện pháp phòng chống kịp thời. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã đề nghị Cục Y tế dự phòng, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm phủ vắc xin với cả trẻ em và người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ.