Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đua dịch vụ và công nghệ
Các thương hiệu cửa hàng tiện lợi đã đưa ra nhiều dịch vụ chuyên nghiệp cùng những trải nghiệm mới cho khách hàng. |
Các thương hiệu khác như Ministop, Family Mart, Circle K thì mở rộng không gian ăn uống, phục vụ các món mì xào, thực phẩm chiên, bánh bao, bánh giò, kem tươi, bánh mì sandwich.
Tại 7-Eleven có đến 100 món ăn vặt mà người Việt rất thích, như xôi, chè, gỏi cuốn, hột vịt lộn, hộn vịt xào me. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food - đơn vị cung cấp phân nửa các món ăn vặt cho 7-Eleven cho biết, sức tiêu thụ thực phẩm tươi tại hệ thống này đang tăng.
7-Eleven hiện có 12 cửa hàng và những cửa hàng có mặt bằng rộng, doanh thu từ thức ăn đường phố khá tốt. Do thói quen tiêu dùng của người Việt là thích mua đồ ăn tại chỗ vì thế những cửa hàng nào của 7-Eleven có nơi để ngồi ăn thì các món ăn này bán rất tốt. Hiện tại, đối tác đang tìm kiếm những mặt bằng rộng để đáp ứng nhu cầu này của khách hàng.
Lý giải về việc đưa món ăn đường phố vào kinh doanh, đại diện Satra cho rằng, đây là xu hướng tất yếu khi các doanh nghiệp hướng đến phân khúc khách hàng trẻ - tỷ lệ lớn trong dân số Việt Nam hiện nay. Việc này cũng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ khi thị trường mở cửa và việc cạnh tranh trong ngành bán lẻ ngày càng quyết liệt. Các cửa hàng Satrafoods không thuần túy là chuỗi cửa hàng tiện lợi mà còn là nơi cung cấp thức ăn nhanh, những bữa ăn tiện ích cho khách hàng. Mô hình này sẽ được Satra tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Trong làn sóng công nghiệp 4.0, bên cạnh việc tăng cường dịch vụ khách hàng, các doanh nghiệp còn cạnh tranh bằng công nghệ. Bách hóa Xanh ngoài trang bị phần mềm quản lý bán hàng đã sử dụng ứng dụng robot giữ xe, giúp tiết kiệm chi phí đồng thời mang lại sự thuận tiện cho khách hàng.
Theo đại diện của Thế Giới Di Động, chi phí cho một robot giữ xe khoảng 1 triệu đồng, mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh sử dụng 5 robot (hạn sử dụng vài năm), như vậy, mỗi cửa hàng chỉ mất khoảng 5 triệu đồng cho mỗi năm trong khi với 2 nhân viên giữ xe thì mỗi cửa hàng một năm tốn khoảng 100 triệu đồng. Theo kế hoạch, Bách hóa Xanh sẽ mở 1.000 cửa hàng và với mô hình giữ xe thông minh này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí.
Đang trong quá trình "công nghệ hóa" như Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, trong năm nay, bên cạnh việc phát triển hệ thống siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op sẽ đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ theo hướng đa kênh để phủ hết các phân khúc tiêu dùng.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Vì thế, các doanh nghiệp đang có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam cho rằng, khi hành vi của người tiêu dùng thay đổi, công nghệ và mô hình kinh doanh cũng như các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.
Cơ hội tăng trưởng luôn hiện diện, vấn đề là doanh nghiệp có đầu tư nguồn lực để nắm bắt và thích nghi với nhu cầu mới từ người tiêu dùng và thị trường hay không. Một điều quan trọng nữa để doanh nghiệp giành được thắng lợi tại thị trường Việt Nam là xây dựng chiến lược phát triển phù hợp đối với từng khu vực địa lý cũng như từng kênh thương mại riêng biệt.