'Hiệp sỹ đường phố' có từ bao giờ?
Anh Nguyễn Thanh Hải (mặc áo màu xanh) là một trong những "hiệp sỹ đường phố" đầu tiên. Ảnh: ND |
"Hiệp sỹ đường phố" xuất hiện rất tình cờ
“Cánh chim đầu đàn” trong phong trào này chính là “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải của CLB PCTP phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một.
Anh cho biết, mình đã tham gia từ năm 1997, cũng rất tình cờ. Khi chứng kiến đối tượng ăn trộm xe máy của công nhân, anh đã ra tay chống lại hành động ăn cướp đó. Đến nay hơn 20 năm, anh đã trực tiếp bắt, phối hợp với đồng đội, công an các địa phương phát hiện hơn 2.000 vụ việc, bắt được hàng nghìn đối tượng. Những thành viên tham gia trong thời kỳ đầu đến nay giờ chỉ còn một mình anh Hải, có người vì lớn tuổi nên nghỉ, có người vì lo công việc mưu sinh nên không có thời gian tham gia…
Anh Hải cho hay, cũng như những thành viên khác tham gia CLB PCTP không hưởng chế độ gì. Các anh tham gia vì thấy chuyện bất bình thì không thể làm ngơ. Các anh muốn góp một phần nhỏ bé vào công việc giữ gìn bình yên phố phường để người dân yên tâm vui sống. Với những người sẵn sàng đối đầu nguy hiểm như các anh, luôn lường trước được những khó khăn mà mình gặp phải, biết cách vượt qua nó và ngày càng mạnh mẽ hơn.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm là hơn 20 năm tham gia bắt trộm cướp, anh nhiều lần bị "ăn đòn". Có lần, trong quá trình truy bắt tên cướp hung hãn, anh đã bị đối tượng dùng dao tấn công trọng thương. Nguy hiểm là vậy, nhưng anh cùng những đồng đội của mình vẫn không nản chí.
Có một điều khiến các anh cảm thấy ấm lòng là khi gặp sự cố, luôn được người dân, các cơ quan chức năng kịp thời động viên, thăm hỏi. Đó chính là động lực giúp các anh vượt qua khó khăn trong công việc mình đã chọn.
Tỉnh Bình Dương đã xây dựng hành lang pháp lý cho "hiệp sỹ đường phố" hoạt động
Xuất phát từ tình hình phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, ngày 1/6/1997, mô hình "Đội Dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt đối tượng trộm, cướp, cướp giật" trên địa bàn phường Phú Hòa và phường Phú Cường được thành lập.
Qua quá trình hoạt động, bằng sự nhiệt tình, quyết tâm trong việc phát hiện và truy bắt tội phạm, mô hình CLB PCTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.
Từ kết quả trên, để phát huy mô hình quần chúng tham gia truy bắt tội phạm, ngày 16/8/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Sơn đã ký ban hành Quyết định số 203/2006/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của CLB PCTP nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của mô hình CLB.
Qua quá trình hoạt động thực tiễn, ngày 4/11/2013, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của CLB PCTP để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tỉnh Bình Dương đã có các quyết định quy định hoạt động của các "hiệp sỹ đường phố". Ảnh: ND |
CLB PCTP được xác định là tổ chức xã hội của quần chúng tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã; là tập hợp những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tâm huyết trong việc bảo vệ ANTT, góp phần xây dựng nếp sống văn minh; cùng nhau vận động, giáo dục, cảm hóa những người có hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
CLB được trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao hiệu quả và hoạt động của phong trào PCTP ở cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, ổn định ANTT, an toàn xã hội tại địa phương; tích cực tham gia các hoạt động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện, thông báo cho cơ quan công an các thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; tham gia bắt người có hành vi phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định…
Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức pháp luật và những kỹ năng cho các “hiệp sĩ” trong quá trình tuyên truyền pháp luật, bắt quả tang đối tượng phạm tội, Công an tỉnh thường xuyên mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho đối tượng này.
Nhiều “hiệp sĩ” cho rằng, khi tham gia CLB PCTP, họ chỉ có niềm đam mê, những ngón nghề khống chế tội phạm chỉ được những người đi trước truyền đạt lại. Tuy nhiên, khi trực tiếp được huấn luyện những chiêu thức né đòn tấn công bằng hung khí của đối phương, đòn khống chế kẻ gian thì các anh cảm thấy tự tin hơn khi “tác nghiệp”. Ngoài ra, những kiến thức pháp luật được tập huấn cũng giúp các anh vận dụng tốt trong công việc của mình.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Bình Dương (Ban Chỉ đạo 138) cho biết, toàn tỉnh có 91/91 xã, phường, thị trấn thành lập CLB PCTP, với 3.248 thành viên ban chủ nhiệm và hội viên. Trong đó có 84/91 địa phương thành lập được Đội Xung kích chống tội phạm với 1.508 đội viên, 91/91 địa phương thành lập Đội Tuyên truyền PCTP với 1.169 đội viên.
Một số mô hình tiêu biểu như: CLB PCTP phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một), CLB xã Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), CLB xã Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), CLB phường Tân Bình, CLB PCTP phường Tân Đông Hiệp ( thị xã Dĩ An), CLB phường An Phú ( thị xã Thuận An)…
Trong năm 2017, các CLB PCTP toàn tỉnh đã phát hiện, báo tin và trực tiếp bắt quả tang 323 vụ - 576 đối tượng có các hành vi trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy... Qua đó, có 16 tập thể, 131 cá nhân được các cấp khen thưởng.
Công an tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho các CLB PCTP trên địa bàn. Ảnh: Tâm Trang |
Công nhận sự tồn tại của "hiệp sỹ đường phố"?
Ngay khi sự việc hai "hiệp sĩ" bị đâm chết khi bắt trộm xe SH ở TP Hồ Chí Minh - ngày 13/5, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có hay không duy trì hoạt động của các “hiệp sỹ đường phố”?
“Nghỉ đi các anh ơi, sự hi sinh của các anh có xứng đáng không. Các anh hi sinh gia đình các anh khổ người dân thương mến nhưng cũng đã hi sinh rồi. Nghỉ ngơi thôi và hãy quay về bên gia đình đi các anh. Đừng hi sinh thêm một người nào nữa” - một người nêu quan điểm.
Chúng ta trân trọng các chiến sĩ công an, biên phòng và bộ đội đang âm thầm làm nhiệm vụ trên khắp các nẻo đường của đất nước. Họ đã ngăn chặn không biết bao nhiêu rủi ro để giữ cho chúng ta được an toàn ở mức độ như bây giờ, nếu không có họ thì rủi ro không thể lường hết được. Nhưng, “lịch sử loài người cho đến ngày hôm nay, chưa có một Nhà nước nào bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trước mọi rủi ro, trong đó có rủi ro do trộm cướp...", nhà báo Hoàng Hải Vân - nguyên Tổng Thư ký Tòa soạn, Báo Thanh Niên bày tỏ quan điểm.
Nhà báo Hoàng Hải Vân cũng thể hiện lòng cảm kích trước sự xả thân bắt cướp của các "hiệp sĩ" trên đường phố Sài Gòn vừa qua: "Các anh xứng đáng với danh hiệu "hiệp sĩ" mà không cần đặt hai chữ này trong ngoặc kép. Tôi hoàn toàn ủng hộ hành động hiệp nghĩa này được nhân lên thành một phong trào tự nguyện, dù có được Nhà nước công nhận hay không”.